You are here
Dễ như… đạo tranh cổ động
Gần đây, loạt tranh cổ động phòng chống COVID-19 của Việt Nam được báo chí thế giới quan tâm, phần vì loại tranh này đối với họ đã thành món lạ, hiếm thấy trong đời sống hằng ngày. Nhưng ở Việt Nam, tranh cổ động vẫn xuất hiện khắp nơi, trong đó chắc hẳn không ít được “sáng tác” theo hình thức cắt dán. Các nhà chuyên môn đều cho rằng, cần một chế tài đủ sức răn đe để ngăn chặn vấn nạn này.
Tranh cổ động đang bị biến thành”nghệ thuật cắt ghép”
Chôm chỉa qua các thời kỳ
Theo họa sĩ, giám tuyển Trần Lương, tranh cổ động Việt Nam trước đây cũng học tập từ anh cả đỏ Liên Xô. Chẳng hạn lặp lại rất nhiều hình tượng người đàn ông khỏe khoắn giương cao nắm đấm hoặc ngọn cờ… Nhưng họa sĩ ta lúc bấy giờ chỉ lấy cái dáng để dùng làm một modun nhỏ, chiếm dưới 20% tỷ lệ tác phẩm. “Một người học hành academy tử tế sẽ không chịu đi đạo y hệt theo kiểu cắt dán. Người có học nếu vì đói kém, ham hố muốn tiến thân thì cũng đạo nhưng họ có nghề nên lấy cái dáng rồi sửa đi thì trông không còn gợn nữa”, anh nói. “Ví dụ hình người Tây thì cho mũi tẹt xuống, tỷ lệ đầu to lên là thành Việt Nam. Có nghề sửa rất dễ. Những ông đạo giống hệt thường là học ở những trường bị kém về đào tạo hàn lâm hoặc các trường địa phương”.
Họa sĩ Đỗ Tuấn Anh chung ý kiến: “Nhiều người làm tranh cổ động, nhất là ở địa phương không được đào tạo, phần lớn đều có tí hoa tay và làm việc như thợ quảng cáo. Nên đã thành thói quen đến mức phản xạ là cắt dán mà không hề ý thức gì”! Như vậy có thể hiểu “cắt dán” là công việc hàng ngày của họ, cho đến một hôm, họ muốn nâng tầm sáng tạo qua một cuộc thi.
Trần Lương chỉ ra lý do quan trọng dẫn một số họa sĩ vào con đường “đạo”, đó là chế tài chưa đủ mạnh. “Tiền phạt cực thấp nên họ chả sợ gì. Thứ hai đã là nghệ sĩ nghiệp dư lại ở tỉnh lẻ bị một lần, vài năm người ta quên. Nên họ cứ làm tới”.
Anh cũng cho rằng có những “tấm gương” để các “đạo sĩ” noi theo: “Không nói xa xôi, riêng ngành sáng tạo khoa học và văn học nghệ thuật, tôi có vô số dẫn chứng cướp, đạo đề tài của người khác. Nhẹ thì ép nhân viên cho mình đồng ký tên vào một đề tài khoa học để lên chức. Khi cái đó trở thành phổ biến thì những người nhỏ bé kia sẵn sàng bước qua ranh giới chỉ để đạo một cái tranh cổ động”.
Theo Trần Lương, chuyện đạo tranh cổ động đã trở nên quá phổ biến đến mức nó thành chuyện nhỏ, các hội đồng chuyên môn chán không buồn bàn cãi nữa: “Nó như một hội chứng phản ánh xã hội, chỉ được sửa chữa khi nền tảng xã hội, đạo đức văn minh xã hội tốt lên, luật pháp tử tế lên, người ta biết ngượng. Không thì người ta cứ làm thôi”.
TÌNH HÌNH ÐẠO, NHÁI QUỐC TẾ
Nhà phê bình Trần Lương khẳng định, tại các nước phát triển, việc đạo, nhái không còn được quan tâm vì luật đã giải quyết hết. Vụ việc chỉ cần bị phát giác là sẽ được xử ngay và xử nặng, không cần phải chờ dư luận. “Từ Singapore tới các nước G7, họ bắt lao động công ích, chứ không chỉ phạt tiền. Đâm ra giảm thiểu việc đạo có tính chất thô. Ở phương Tây chỉ còn đạo có tính chất tinh. Mà đạo kiểu này có đem ra tòa xử cũng khó bắt tội. Vì thường khi đó nó đã trở thành sáng tạo, kiểu như Duchamp vẽ lại tranh La Gioconda… Và chuyển sang loại hình nghệ thuật ý niệm”.
Họa sĩ Đỗ Tuấn Anh hiện sống và làm việc tại Đức cho hay ở Đức gần như không xảy ra những vụ vi phạm bản quyền kiểu cắt dán: “Vì vấn đề này đã được dạy và giải quyết ở trường rồi”. Theo anh ở Đức cũng ít có các cuộc thi thiết kế tranh cổ động (trừ cho những sự kiện lớn như World Cup), mà đơn giản là đơn vị có nhu cầu sẽ đấu thầu và thuê công ty tư vấn thiết kế chuyên nghiệp để thực hiện. Với những cuộc phát động lớn, hội đồng xét duyệt đa ngành nghề trong đó gồm những nhà thiết kế hàng đầu và đại diện của nhiều đơn vị làm quảng cáo. Do đó càng khó có cửa cho việc vi phạm bản quyền.
Giám tuyển Thế Sơn khẳng định tranh cổ động là vùng trũng trong sáng tác mỹ thuật, dường như không còn thu hút được những nghệ sĩ tài năng, tâm huyết tham gia sáng tạo nữa, trong khi: “Tác phẩm cổ động không khác gì tác phẩm hội họa cả. Thời đại bây giờ, đồ họa, hội họa hay kiến trúc đều gần như bình đẳng. Không thể nói thiết kế thấp hơn hội họa. Đặc biệt về mặt bản quyền là như nhau hết”.
Có ý kiến cho rằng hàm lượng sáng tạo của tranh cổ động ít, vì sáng tạo thuộc phạm trù cá nhân mà tranh cổ động lại không mang tính cá nhân. Thực tế, liều lượng, cách thức sáng tạo trong bất cứ loại tranh nào đều chính do họa sĩ quyết định. Chả thế mà cũng cùng một hình thức chẳng khác nào tuyên truyền cổ động, thì thế giới vẫn có Pop-art đầy tính nghệ thuật. Ở một nơi tưởng như là “cường quốc” về tranh cổ động như Việt Nam thì chính nó lại bị lãng quên, trở thành “vùng trũng” đáng báo động về sở hữu trí tuệ. Nhưng thực ra đó chính là cơ hội tốt cho các tài năng muốn khẳng định cá tính qua hình thức nghệ thuật vốn dĩ đại chúng và có tính lịch sử này.
Theo Tiền Phong