You are here
Liên Hợp Quốc bầu 5 thành viên không thường trực mới của HĐBA
5 thành viên thường trực mới của Hội đồng Bảo an là Thụy Điển, Ethiopia, Bolivia và Kazakhstan với nhiệm kỳ 2 năm.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 28/6 đã tiến hành bầu chọn 5 thành viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an (HĐBA). Điều đặc biệt của lần bầu chọn này là có 2 nước cùng chia sẻ một nhiệm kỳ, là Hà Lan và Italy.
Có 3 nước trúng cử ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, là Thụy Điển với 134 phiếu, Ethiopia được 185 phiếu và Bôlivia được 183 phiếu. Trong vòng bỏ phiếu thứ 2, Kazakhstan đã đánh bại Thái Lan với 138 phiếu để trúng cử thành viên không thường trực.
Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
Tuy nhiên, việc bầu thành viên không thường trực thứ 5 của Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã phải tiến hành 5 vòng bỏ phiếu, song hai ứng cử viên Hà Lan và Italy vẫn nhận được số phiếu ngang nhau là 95 phiếu, trong khi số phiếu cần thiết để chiến thắng là 127 phiếu. Do đó, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Mogens Lykketoft đã phải chủ trì hai cuộc họp kín và đi đến kết luận cả 2 nước sẽ cùng chia sẻ nhiệm kỳ ủy viên không thường trực. Theo đó, Italy sẽ giữ chức ủy viên không thường trực năm 2017 và Hà Lan sẽ tiếp tục giữ vị trí này vào năm 2018.
Phát biểu về đề xuất này, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cho biết: “Việc hai nước giành được số phiếu ngang bằng nhau, 95-95, trong các vòng bỏ phiếu cho thấy các thành viên trong đại hội đồng đánh giá cả 2 nước đều xứng đáng có được vị trí ủy viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an. Tôi và các đồng nghiệp của tôi rất muốn thúc đẩy đề xuất này trong cuộc họp của nhóm các nước Tây Âu để hai nước có thể cùng chia sẻ một nhiệm kỳ”.
Còn Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni cho biết, quyết định của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là sự công bằng tuyệt đối và việc hai nước cùng nhau chia sẻ nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an cho thấy thông điệp đoàn kết của hai nước châu Âu, trong bối cảnh nước Anh vừa bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầy ý dân cách đây chưa đầy 1 tuần.
Ông Gentiloni nói: “Trước hết xin cám ơn sự ủng hộ của tất cả các bạn. Hôm nay là một ngày rất thú vị. Chúng tôi muốn gửi đi thông điệp về sự đoàn kết giữa các nước châu Âu. Chúng tôi đã có cơ hội với sự ngang bằng nhau này, để quyết định một đề xuất cũng mang lại thông điệp đoàn kết giữa 2 nước châu Âu”.
Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của Liên Hợp Quốc có thể đưa ra những quyết định ràng buộc pháp lý. Hội đồng gồm 15 nước thành viên, trong đó có 5 nước Uỷ viên thường trực có quyền phủ quyết gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và 10 thành viên không thường trực do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu ra trên cơ sở phân chia công bằng về mặt địa lý (5 nước thuộc châu Phi và châu Á; 1 nước thuộc Đông Âu; 2 nước thuộc vùng Mỹ Latinh và Caribe; 2 nước thuộc Tây Âu và các nước khác) và có tính tới sự đóng góp của những nước này cho tôn chỉ cũng như mục đích của Liên Hợp Quốc. Các nước ủy viên không thường trực được chia thành 2 nhóm với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau.
Tại Hội đồng Bảo an, các thành viên không thường trực không có quyền phủ quyết nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết.
Thỏa thuận giữa Italy và Hà Lan về việc cùng chia sẻ nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an cần phải được thông qua tại cuộc gặp của một nhóm các quốc gia phương Tây diễn ra trong ngày 29/6 và gần như chắc chắn các nước này sẽ tán thành cách dàn xếp như trên. Sau đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ phê chuẩn. Trong lịch sử của Liên Hợp Quốc, đây không phải là lần đầu tiên hai nước cùng chia sẻ một nhiệm kỳ. Năm 1960, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan cũng từng luân phiên giữ trọng trách này tại Hội đồng Bảo an./.
TheoVOV