You are here

Trống đồng Kính Hoa - bảo vật vô giá

Trống đồng Đông Sơn, trong đó có trống Kính Hoa là niềm tự hào của người Việt. Trống Kính Hoa là một kiệt tác của mỹ thuật Đông Sơn và cũng là đỉnh cao của kỹ thuật đúc đồng Đông Sơn. Đó là những điều được khẳng định trong cuốn sách “Trống đồng Kính Hoa-Bảo vật quốc gia Việt Nam”.

“Trống đồng Kính Hoa-Bảo vật quốc gia Việt Nam” là cuốn sách của GS, TS Trịnh Sinh và nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính, do Nhà xuất bản Thế giới phát hành. Cuốn sách khổ lớn (26x35cm), dày hơn 300 trang, in trên giấy tốt, bìa cứng bọc vải, nẹp đồng với nhiều thông tin khoa học quý, được thể hiện bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, hình ảnh công phu về chiếc trống được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là “bảo vật quốc gia” (đợt 9) ngày 31-12-2020 và bảo vật quốc gia đầu tiên thuộc sở hữu tư nhân.

Từ xa xưa, trống đồng giữ vai trò quan trọng trong đời sống người Việt cổ. Ngoài chức năng âm nhạc, trống còn là biểu tượng của quyền lực thủ lĩnh, biểu tượng của vũ trụ theo quan niệm của người xưa. Thậm chí, trong thư tịch còn ghi lại rằng “trống mất thì vận người Man cũng mất” (người Man là cách gọi miệt thị của người Hán với người Lạc Việt). Nói đến trống đồng thì trống đồng Đông Sơn là loại trống cơ bản, sớm nhất và cũng có dáng cân đối nhất. Trống Kính Hoa được xác định niên đại vào khoảng thế kỷ 4-3 TCN, lại là trống sớm, có kích thước lớn nhất trong nhóm những trống đồng Đông Sơn có niên đại sớm nhất, đẹp nhất (cùng với trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, Sông Đà).

Theo thông tin cuốn sách, trống Kính Hoa còn nguyên vẹn, có dáng cân đối, mặt trống hình tròn. Trống Kính Hoa là một tác phẩm tuyệt đẹp, không chỉ ở khía cạnh tạo dáng mà còn ở cả phần tạo màu, tạo văn. Mặc dù trống không được tô màu mà duy nhất chỉ mang màu của chất liệu đồng nhưng các nét khắc họa đậm nhạt đã tạo ra khoảng tối, sáng tùy theo nét khắc chìm vào thân trống hay đúc nổi. Các mảng hoa văn trên mặt trống như bức tranh thêu làm tôn thêm vẻ đẹp của chủ thể là hình mặt trời (tức ngôi sao cách điệu)...

Hoa văn trên trống đồng Kính Hoa có nhiều hình quen thuộc của trống đồng Đông Sơn như hình chữ S nối tiếp uyển chuyển, chim bay, người, thuyền, nhà sàn, hươu, chó... Bên cạnh đó, trống Kính Hoa cũng có những hoa văn trang trí khác biệt. Chẳng hạn, hoa văn giao long (một loài vật thường được cư dân Đông Sơn trang trí trên tấm che ngực, rìu đồng) duy nhất được trang trí trên trống Đông Sơn Kính Hoa. Không những thế, lại được trang trí ở vị trí trang trọng, nằm xen giữa các cánh của ngôi sao đúc nổi giữa mặt trống. Hoa văn con sam biển cũng mới chỉ thấy trên trống Kính Hoa. Sự xuất hiện của loài sam trên trống Đông Sơn mang nhiều ý nghĩa về môi trường, cảnh quan và cuộc sống của cư dân Đông Sơn.

Qua nghiên cứu trống Kính Hoa, các nhà khoa học đã hiểu hơn về môi trường, cảnh quan, trình độ sản xuất, tiền đề vật chất... của thời Đông Sơn. Đặc biệt, ngoài “kể” những câu chuyện trồng cấy, chăn nuôi, sản xuất, ăn ở, đi lại..., trống Kính Hoa còn lưu lại dấu vết khá rõ ràng về sự mặc của người dân Đông Sơn. Trường hợp dấu vải lưu lại trên mặt trống Kính Hoa là hy hữu. Ở đây, sợi vải đã bị phân hủy nhưng kịp ngấm vào phần gỉ đồng ở mặt trống, đã tạo ra những vết vải có thể quan sát được các thớ vải và kiểu dệt. Điều này cũng khẳng định trống Kính Hoa chưa có ai sửa chữa và còn nguyên bản.

Phần cuối cuốn sách giới thiệu nhiều trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy trống đồng Đông Sơn như “đại sứ” giao lưu văn hóa với các quốc gia cổ đại trong khu vực. Trống đồng Kính Hoa cũng được đặt trong bối cảnh lịch sử dân tộc cách đây hơn 2.000 năm cùng với các trống đồng Đông Sơn khác, góp phần xây dựng nên bức tranh lịch sử toàn cảnh của một thời dựng nước và giữ nước huy hoàng của dân tộc ta.

HẠNH LÊ



Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Thời tiết

LIÊN KẾT WEBSITE